Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về triển khai công tác thanh tra giao thông vận tải (GTVT) năm 2015, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết đã trình TP đề án lắp hệ thống cân tự động tại các tuyến cửa ngõ và đường trọng yếu của TP. Khi đi vào hoạt động xe quá tải sẽ bị phát hiện và phát tín hiệu cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý mà không phải dừng xe tràn lan, gây ách tắc giao thông.

Tự động hóa các trạm cân sẽ giúp quản lý tải trọng hiệu quả hơn. Ảnh: Tràng An
Lật tẩy những "chiêu trò" dồn tải
Kết thúc đợt thanh tra chuyên đề "tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, xếp hàng hóa; chấp hành các quy định về kích thước thùng hàng xe", Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, có 23.387 vụ việc vi phạm với số tiền xử phạt hơn 103 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm 11.766 vụ trên 52,1 tỷ đồng; xử phạt chủ phương tiện liên quan tới quá tải 11.621 vụ với hơn 51 tỷ đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 11.766 trường hợp.
Riêng hoạt động của các trạm, chốt cân tính từ ngày 15/4/2014 đến hết năm 2014, lực lượng phối hợp liên ngành đã kiểm tra 23.062 lượt xe, phát hiện và xử lý 6.084 vụ vi phạm, số tiền phạt hơn 26,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, về xử lý xếp hàng hóa vượt tải trọng, lực lượng thanh tra GTVT và liên ngành đã kiểm tra xử lý 139 vụ việc vi phạm, phạt 198,5 triệu đồng chủ yếu tập trung về các vật liệu xây dựng, cát, đá...
Còn tại các kho hàng, bến bãi, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Cục Quản lý Đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức nhiều đoàn thanh, kiểm tra, phát hiện 25 vụ cơi nới thùng xe, phạt 201,8 triệu đồng.
Theo Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân việc dồn tải, xếp thêm hàng sau khi rời cảng ngoài mục đích tăng lợi nhuận còn do một số sơmi rơ móc cũ không đủ điều kiện về kiểm định nên không được phép vào cảng để lấy hàng hóa nên các xe tập kết lại tại khu vực ngoài cảng chờ các xe khác có đủ điều kiện vào lấy hàng quay ra để sang hàng. Vấn đề này đã được báo cáo Bộ GTVT chỉ đạo xem xét, rà soát để điều chỉnh thông số kỹ thuật kiểm định các sơ mi rơ mooc cũ trên cho phù hợp trong thời gian tới.
Sắp kiểm tra tải trọng không cần dừng xe
Thực tế việc kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Việc kiểm tra tải trên các đoạn đường hẹp nhất là trên các tuyến quốc lộ không đủ bề rộng thì lực lượng chỉ ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra từng trường hợp một (tối đa 3 phương tiện) mà không thể kiểm tra hết các xe vi phạm khác cùng lúc. Nếu dừng liên tục sẽ gây ra ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, vị trí đặt trạm cân cũng gặp khó khăn vì phải đảm bảo nhiều điều kiện, tiêu chuẩn về kĩ thuật, đồng thời còn phải đáp ứng yếu tố cơ động, bất ngờ theo sự chỉ đạo của TP.
Để giải quyết vấn đề này, Thanh tra Sở GTVT TP đã lập đề án trình UBND TP chấp thuận cho phép đầu tư lắp hệ thống cân tự động tại các tuyến cửa ngõ, các tuyến đường trọng yếu có lưu lượng phương tiện
vận chuyển hàng hóa cao để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải.
"Vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật, Đại học Bách khoa, lắp đặt thí điểm hệ thống này tại trạm thu phí An Sương - An Lạc, quận Bình Tân. Khi đi vào hoạt động rộng rãi, hệ thống cân tự động nhận diện được xe quá tải sẽ kết nối và phát tín hiệu ngay cho lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra, xử lý mà không phải dừng xe tràn lan, gây ách tắc giao thông. Bước đầu kết quả rất khả quan trong việc xử lý xe vi phạm quá tải. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác Thanh tra GTVT sẽ kiên quyết nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, gắn với thực hiện chủ đề năm An toàn giao thông 2015 "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" với mục tiêu "tính mạng con người là trên hết"" - lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nguồn: Thanhtra.com.vn